Trần Nguyên Mạnh: Tấm thẻ đỏ nghiệt ngã, ý nghĩ giải nghệ và lời nhắn “không muốn con mình nối nghiệp thủ môn”
“Mạnh ơi, 2-1, 2-1 rồi…”, nhân viên sân Mỹ Đình chạy như bay vào phòng thay đồ, báo tin cho Nguyên Mạnh sau khi Vũ Minh Tuấn sút tung lưới Indonesia ở phút 90+3....
Thủ môn đội tuyển Việt Nam đang gục đầu buồn bã liền bật dậy, lao nhanh ra cửa sân để nhìn tận mắt kết quả vì không dám tin vào những gì mình vừa nghe được. Tấm thẻ đỏ nghiệt ngã ở AFF Cup năm ấy đã khiến Nguyên Mạnh phải hứng chịu vô vàn chỉ trích. Và đằng sau pha rút thẻ khiến tất cả phải ngỡ ngàng đó, vẫn còn ẩn chứa những câu chuyện đến bây giờ mới được tiết lộ.
PV: Là một người đã có gần 20 năm lăn lộn cùng trái bóng, và có rất nhiều năm gắn bó với khung gỗ, vị trí thủ môn mang đến cảm giác như thế nào đối với anh?
Nguyên Mạnh: Thủ môn là vị trí cô đơn và áp lực nhất trên sân. Nếu bọn mình sai một chút thì tất cả chỉ trích sẽ dồn về phía thủ môn. Đó cũng là một điều bất lợi. Nhưng tôi nghĩ mình cứ sống với đam mê, cứ cố gắng hết mình, thể hiện khả năng của bản thân, không suy nghĩ nhiều về những vấn đề đó.
Ai chơi ở vị trí thủ môn cần bản lĩnh và cả áp lực nữa để vượt qua khó khăn. Thủ môn không có ai không sai số cả. Trên thế giới cũng vậy thôi, các thủ môn cũng phải chịu áp lực, bị chỉ trích. Đã là thủ môn bắt buộc phải có sự chuẩn bị, bản lĩnh hơn để mình cố gắng trong cả một chặng đường dài.
Tôi muốn đặt một giả thiết thế này: Giả sử con của anh lớn lên và muốn nối nghiệp thủ môn của bố, liệu anh có ủng hộ hay không?
Điều quan trọng vẫn là con đam mê vị trí nào. Nhưng nếu con tôi mà theo nghiệp thủ môn thì tôi cũng không ủng hộ lắm.
Xác định đam mê một cách rõ ràng thì không nói, nhưng nếu con có thể thi đấu tốt ở vị trí khác thì tôi sẽ khuyên can con. Bởi thủ môn là vị trí cần sự đam mê, bản lĩnh và rất nhiều yếu tố khác thì mới theo được.
Nói như vậy liệu có phải vì anh đã từng trải qua những cay đắng tưởng như không gượng dậy nổi vì chọn cho mình cái nghiệp thủ môn và không muốn điều đó lặp lại với con mình? Hay nói cách khác, câu chuyện về tấm thẻ đỏ ở AFF Cup 2016 đến giờ vẫn còn là một vết gợn ám ảnh anh?
Giờ xem lại tình huống đó mà bảo tôi đánh nguội hay gì thì không có. Tại vì lúc đó tôi chỉ muốn trận đấu nhanh tiếp tục mà thôi, vì đội tuyển Việt Nam đang bị thua 1-0.
Ở tình huống đó, đội bạn đá phạt góc vào thì mình nhảy lên đấm bóng. Trong lúc ấy một cầu thủ đội bạn (hậu vệ biên) nhảy vào, giơ cùi trỏ vào cổ tôi. Bóng được đấm ra thì trọng tài chính cũng thổi còi, bắt lỗi đối phương vì phạm lỗi với tôi.
Cậu ta khi ấy đang đè lên tôi, còn tôi muốn bật dậy lấy bóng nhanh để đưa vào cuộc. Đối phương đang đè lên tôi thì tôi cũng chỉ gạt ra thôi. Chúng ta đang thua và mọi thứ rất gấp gáp.
Lúc ấy trọng tài chính cũng chẳng để ý về tình huống đó, bảo bóng phát lên. Nhưng trọng tài biên có lẽ nghĩ rằng tôi đã dùng động tác nào đó không đúng và kêu trọng tài chính ra.
Tôi cũng chẳng biết cụ thể chuyện gì, vẫn rất bình thường, không nghĩ bị thẻ đỏ vì lỗi đánh nguội hay gì đâu. Nhưng rồi không biết họ nói chuyện sao và rồi trọng tài chính chạy lại rút thẻ đỏ.
Bản thân tôi khá bất ngờ. Quế Ngọc Hải và Xuân Trường thấy thế thì chạy lại hỏi trọng tài tại sao lại thẻ đỏ? Xong rồi Trường cũng ra nói chuyện với trọng tài biên để giải thích. Nhưng thực sự thẻ đã rút ra rồi thì cũng không thể giải thích được nữa.
Những gì sau đó trên sân Mỹ Đình mọi người đều đã biết và rất nhớ. Nhưng còn câu chuyện của anh thì sao? Điều gì đã xảy ra với anh sau khi phải đi vào phòng thay đồ?
Lúc bị thẻ đỏ thực sự tôi rất buồn và hụt hẫng. Ngước lên khán đài thấy tất cả mọi người đều đang nhìn mình. Thực sự tình huống đơn giản đó tôi không nghĩ mình lại bị thẻ đỏ. Giờ nghĩ lại mình vẫn thấy hối hận. Nếu không xảy ra chuyện đó thì bây giờ mình đã không bị như thế này.
Thầy Cảnh (HLV Nguyễn Đức Cảnh) và Lâm (thủ môn Đặng Văn Lâm) chạy đến đưa tôi ra sân. Rồi một chị thuộc ban quản lý sân đưa tôi vào phòng thay đồ. Tôi ngồi một thụp xuống một góc, buồn lắm. Trong đầu suy nghĩ: Tại sao mình lại như thế này?
Lúc đó trong phòng cũng không có gì để xem trận đấu. Tôi cũng buồn lắm, chỉ biết ngồi một chỗ. Xong rồi được các anh chị ban tổ chức vào thông báo thì mình mới biết kết quả.
Đầu tiên, một anh bên ban tổ chức vào thông báo đội tuyển gỡ hòa 1-1. Nghe thấy thế, bản thân mình cũng vui lên một chút.
Xong rồi một hồi sau, có một chị khác vừa chạy vào vừa hét lớn: “Mạnh ơi, 2-1, 2-1 rồi…”. Lúc đó tôi vui lắm. Không dám nghĩ kết quả đó có thật. Thế là chạy ngay ra sân để xem mọi chuyện ra sao.
Ra đến nơi nhìn thấy thời gian cũng vừa hết. Mình nghĩ trong đầu nếu đá penalty ngay thì đội tuyển vẫn còn cơ hội. Nhưng trong lúc vừa đi trở lại vào phòng thay đồ tôi vừa nghĩ đá hiệp phụ thì rất khó khăn. Suốt 30 phút tới làm sao 10 người của mình chống đỡ lại được 11 cầu thủ đối phương. Thực sự rất khó. Và rồi cuối cùng kết quả không được như mong đợi. Tôi lại ngồi buồn gục một chỗ.
Điều gì xảy ra tiếp theo sau đó, khi các đồng đội của anh bước vào sau khi đội tuyển Việt Nam bị loại?
Hết giờ, tôi cũng không ra lại sân mà vẫn ngồi trong phòng thay đồ. Lúc ấy mình buồn quá, thấy rất hối hận. Bản thân cũng cảm thấy hơi ngại với tất cả mọi người. Xong rồi lúc các đồng đội vào thì cũng tới động viên tôi.
Mấy anh lớn bước vào đầu tiên. Khi ấy tôi ngồi trong phòng tắm, mấy anh có vào động viên, bảo thôi cố gắng lên, mọi thứ xảy ra rồi thì mình phải biết chấp nhận, cố gắng vượt qua giai đoạn này.
Nhưng thực sự lúc đó rất buồn, tôi cũng chẳng biết đáp lại thế nào. Tình huống đó xảy ra quá nhanh với bản thân mình. Lúc đó mình chẳng thể nói được gì với đồng đội cả.
Vậy còn HLV Hữu Thắng và ban huấn luyện thì sao?
Thực ra lúc đó tất cả mọi người đều đang buồn vì lỗi của tôi. Tôi nghĩ lúc đó ai cũng cần có sự động viên cả, chứ không chỉ riêng tôi. Ban huấn luyện cũng có động viên. Nhưng tất cả mọi người đều buồn cả, mọi thứ thể hiện rất rõ trên khuôn mặt từng người.
Khi bị thẻ đỏ, mình cảm thấy có lỗi với tất cả anh em cầu thủ, ban huấn luyện và người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Vì chiếc thẻ đó mà mình đã đánh mất cơ hội của đội tuyển.
Lúc đó tôi nghĩ ban huấn luyện là những người sẽ bị chỉ trích nhiều vì tôi. Vì thế tôi rất buồn, thất vọng khi bản thân mình đã làm mọi người bị như vậy.
Sau một thời gian tôi và HLV Hữu Thắng nói chuyện. Anh Thắng bảo thôi về nghỉ ngơi, đừng suy nghĩ gì nữa, quên hết những chuyện đã qua đi.
Mọi người đều động viên anh cố gắng vượt qua, nhưng điều đó rõ ràng không dễ. Trong những khoảnh khắc đó, anh có nghĩ đến việc sẽ phải đối mặt với vô số chỉ trích nhắm vào mình ra sao không?
Khi ấy mình đã mường tượng ra áp lực đang chờ. Biết rằng sau trận đấu này mình sẽ bị mọi người chỉ trích, chỉ trích rất nhiều. Lúc đó mình buồn vì tình huống đó nhanh quá, không nghĩ có thể dẫn đến thẻ đỏ.
Tôi cảm thấy mọi thứ khá bình thường, nhưng đến khi trọng tài rút thẻ đỏ thì rất bất ngờ. Nhưng cũng chẳng biết làm thế nào.
Lúc đó facebook của tôi phải nhận rất nhiều tin nhắn không hay. Nhưng mình nghĩ mọi người chỉ trích thì cũng chỉ trích rồi. Mình cứ im lặng và cố gắng vượt qua thôi.
Tôi cũng không đóng facebook của mình. Cứ để vậy thôi, chẳng quan tâm đến luôn. Thời gian đó tôi không lên mạng xã hội, không đọc báo hay gì cả. Tất cả những thứ đó đều không động đến.
Tôi cũng có trả lời báo chí và chỉ nghĩ đơn giản rằng muốn nói ra những chia sẻ thật lòng của mình, rằng lúc đó như thế nào, tình huống ra sao. Tôi nói đúng với tâm lý của mình. Chỉ trích thì cũng bị chỉ trích rồi. Tôi nghĩ quan trọng giờ phải vượt qua như thế nào. Nên mọi người giờ có chỉ trích nữa thì mình cũng chấp nhận hết. Đã bị rồi thì cố gắng vượt qua nó vì đây là bài học lớn với bản thân mình.
Áp lực với anh khi đó có lẽ phải khủng khiếp lắm?
Lúc đó tôi chỉ nghĩ tại sao tình huống lại xảy ra với mình. Mọi việc không được như mong đợi, chỉ trích đổ dồn lên đầu mình và tôi cảm thấy áp lực rất nhiều.
Về nhà nghỉ cũng phải mất một thời gian tôi mới vượt qua được áp lực đó. Bị chỉ trích quá nhiều làm mình thấy rất buồn, thất vọng, chẳng muốn đi đâu cả, không dám ra ngoài đường một thời gian. Mọi việc kéo dài như thế trong 1 tháng.
Nhưng thực ra người ta chỉ chỉ trích tôi trên mạng thôi. Còn khi tôi về quê, mọi người gặp đều động viên, bảo tôi cố gắng hơn. Nói chung khi ở bên ngoài tôi không gặp phải ai chỉ trích trực tiếp cả. Đó cũng là động lực khi mình luôn có sự ủng hộ từ phía sau.
Vào thời điểm đó, anh có bi quan nghĩ rằng cánh cửa đội tuyển quốc gia sẽ khép lại với mình?
Đúng là mình có bi quan một chút, nghĩ cơ hội lên tuyển chắc sẽ giảm đi. Lúc đó mình chỉ nghĩ trong đầu sẽ phải quay lại để thể hiện như thế nào. Trở về CLB, sẽ phải thi đấu thật tốt để được tất cả mọi người ghi nhận. Có vượt qua được áp lực này thì mới có thể rèn rũa được bản thân mình. Bị chỉ trích nhiều rồi giờ phải cố gắng hơn nữa. Đó là bài học cực lớn với tôi và cũng là động lực để mình cố gắng hơn để vượt qua được nó.”
“Sau đó khi trở lại hội quân cùng SLNA, lãnh đạo CLB lại động viên tôi rất nhiều. Được lời động viên của các bác, mình cũng thấy tự tin hơn. Mình cũng suy nghĩ trong đầu rằng giờ quay lại phải cố gắng, chăm chỉ tập luyện.
“Nếu không xảy ra chuyện đó thì bây giờ mình đã không bị như thế này”. Tôi nên hiểu “thế này” mà anh nhắc tới theo nghĩa như thế nào? Liệu có phải là sự tiếc nuối vì đợt hội quân vừa rồi anh không được lên tuyển?
Như hiện tại, tuyển Việt Nam có rất nhiều thủ môn tốt. Ai cũng xứng đáng cả. Đó cũng là động lực để mình cố gắng. Mình nghĩ ai được lên tuyển cũng là vinh dự với bản thân người đó. Mình chưa được lên tuyển thì càng phải cố gắng hơn nữa. Tôi nghĩ cơ hội lên tuyển với tôi vẫn còn. Quan trọng là mình phải thể hiện như thế nào.
Với mọi cầu thủ, được triệu tập lên đội tuyển quốc gia lúc nào cũng là một vinh dự lớn. Với anh, lần đầu tiên được lên tuyển mang lại cho anh cảm giác thế nào?
Đó là vào năm 2014. Thực sự lúc đó tôi rất bất ngờ và hạnh phúc khi lần đầu tiên được lên tuyển. Đội còn có 2 thủ môn đàn anh là Vĩnh Lợi và Thanh Bình, nhưng HLV Miura đã tin tưởng tôi ở AFF Cup năm đó. Cảm giác khi ấy rất hạnh phúc. Tôi tự nhủ mình phải thật cố gắng. Nhưng rồi năm đó mình lại thi đấu chưa được tốt và thấy rất buồn.
Pha bắt bóng lỗi ở trận ra quân gặp Indonesia, để đối phương gỡ hòa 2-2 có khiến anh bị tâm lý nhiều không?
Khi ấy tôi nghĩ mình khó còn cơ hội để thể hiện tiếp. Nhưng may vẫn được thầy Miura tin tưởng nên cũng có được sự tự tin hơn.
Lúc đó tôi được tất cả mọi người động viên vì mình rất buồn. Đó là một lỗi lớn, ảnh hưởng đến đội tuyển. Nhưng may mắn tôi vẫn được toàn đội, rồi lãnh đạo VFF động viên. Vì thế đến trận gặp Philppines, đội bắt buộc phải thắng, tôi tự nhủ mình phải cố để giúp tuyển Việt Nam có kết quả tốt và vào bán kết.
Nhưng rồi đến vòng bán kết, không hiểu vì sao chúng ta lại thua đau đớn trước Malaysia. Phải chăng vì toàn đội đã quá tự tin và mất cảnh giác sau trận lượt đi?
Thực sự toàn đội đều cảm thấy sốc, bởi khi đá ở Malaysia chúng ta đã giành chiến thắng 2-1 rồi. Đá ở sân khách rất đông khán giả nhưng toàn đội đã vượt qua được áp lực. Sau khi đã qua được thử thách đó, toàn đội đều tự tin và nghĩ sẽ có được kết quả tốt hơn. Nhưng không ngờ và không hiểu tại sao đến khi đá lượt về lại như vậy. Có lẽ anh em về sân nhà cũng có một chút áp lực và toàn đội đã thi đấu không tốt.
Tất cả mọi người đều rất buồn và muốn khóc vì trước đó đang có sự tin tưởng của người hâm mộ cả nước. Trận lượt đi mọi người đã làm quá tốt. Nhưng đến lượt về lại khiến tất cả phải thất vọng. Đó là điều đáng tiếc với tất cả mọi người.
Bản thân tôi cũng rất buồn vì toàn đội đã cố gắng để được vào chung kết. Khá là sốc, không nghĩ đá sân nhà mà tuyển Việt Nam lại phải chịu kết quả đó. Tất cả mọi người đều buồn và khi vào phòng thay đồ thì mỗi người ngồi một góc, không ai nói câu nào cả. Nếu mà được đá lại thì có lẽ không để xảy ra như vậy.
Mãi lúc sau HLV Miura đi vào và nói chuyện với toàn đội. Anh em toàn đội gửi lời xin lỗi thầy vì kết quả không tốt. Thầycũng động viên tất cả phải luôn tiến về phía trước, cố gắng thi đấu tốt, cánh cửa đội tuyển vẫn luôn rộng mở với mọi người.
Hai giải đấu đó có lẽ là những ký ức buồn nhất trong sự nghiệp của anh, nhưng biến cố bị gãy tay vào năm 2018 chắc hẳn cũng khiến anh gặp rất nhiều khó khăn?
Năm đó tôi bị chấn thương rất nặng khi đá ở AFC Cup. Lúc ấy thực sự tôi thấy trống rỗng. Thủ môn mà bị gãy tay thì phải làm sao? Tôi đã nghĩ có khả năng phải giải nghệ, không tiếp tục theo bóng đá được nữa.
Lúc đó vừa đau, vừa nhìn chấn thương của mình thấy ghê quá. Tôi nghĩ trong đầu thế này mà tiếp tục đá bóng được thì rất khó, vì cái tay với thủ môn như mình rất quan trọng. Nhìn tay mình bị lỏng ra, thành mấy khúc, tôi nghĩ khó mà quay lại thi đấu được.
Trước đó đã bao giờ anh bị chấn thương nặng và phải nghỉ dài hạn chưa?
Ngày tôi mới lên đội một SLNA (2011), sau mỗi trận thắng, đội thường được HLV Hữu Thắng đưa xuống Cửa Lò xả stress. Lúc xuống đó, tôi chạy vui đùa trên bãi cát, không may bị vỡ mắt cá. Thế là phải nghỉ gần 1 năm.
Lúc ấy nghĩ buồn lắm. Mới lên đội một chưa cống hiến được gì mà lại bị một chấn thương lãng xẹt đến với mình. Nhưng cũng may mắn là được ban huấn luyện và lãnh đạo CLB động viên. Anh Thắng luôn động viên, dặn dò bảo không sao đâu, cố gắng trở lại sớm là tốt rồi. Có lời động viên đó mình cũng cảm thấy đỡ hơn trong lòng.
Còn với chấn thương gãy tay, điều gì đã khiến anh gạt bỏ được sự bi quan, ý nghĩ về chuyện giải nghệ?
Khi trở về nhà được tất cả mọi người động viên, tôi cũng gạt bỏ được suy nghĩ đó. Và đến khi quay lại tập, tôi thấy rằng điều quan trọng nhất là hồi phục như thế nào. Chỉ có chấn thương nào quá nặng thì mới không trở lại được. Còn hầu như mọi chấn thương nếu hồi phục tốt thì mình đều có thể quay trở lại sân cỏ. Nhờ thế mà bản thân mình cũng suy nghĩ tích cực hơn.
Tôi cũng thực sự phải cảm ơn ban huấn luyện, lãnh đạo SLNA, Ngân hàng Bắc Á đã luôn bên mình, động viên và tạo điều kiện tốt nhất cho mình chữa trị. Đó là điều mình rất biết ơn. Trong đầu tôi luôn suy nghĩ phải cố gắng trở lại và thể hiện tốt hơn để đền ơn tất cả mọi người.
Nói thế lại càng thấy cái tình, cái nghĩa giữa anh và SLNA. Chắc hẳn khi quyết định chia tay đội bóng quê hương sau mùa giải 2019, anh đã phải đắn đo rất nhiều?
Thực sự rất khó khăn khi phải nói lời chia tay với SLNA, bởi đây là ngôi nhà mà mình đã cống hiến ở đó gần 20 năm rồi. Trước lúc đi, tôi cũng không biết quyết định như thế nào. Nhưng suy nghĩ mãi thì cũng muốn mình đi ra ngoài kiếm danh hiệu cho bản thân, bởi đời cầu thủ cũng khá ngắn.
Lúc về đây tôi cũng được anh Trọng Hoàng và Quế Ngọc Hải giới thiệu nhiều về CLB Viettel. Tôi nghĩ đây sẽ là điểm đến tốt để mình phát triển.
Tôi từng nghe nói rằng, được khoác áo SLNA là ước mơ của mọi đứa trẻ Nghệ An biết đá bóng. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng hiện thực hóa được mơ ước đó. Với anh, con đường đến với SLNA, đến với bóng đá chuyên nghiệp có gặp phải nhiều khó khăn không?
Năm 2001, tôi đi đá giải U11 toàn quốc nhưng đá xong không được SLNA giữ lại. Đến năm 2003, khi đá giải huyện tôi mới được SLNA chấm và quay lại.
Bị loại một lần nhưng tôi vẫn muốn theo bóng đá vì đó là đam mê của mình. Trong gia đình, bố cũng rất mê thể thao, luôn chở tôi mỗi khi đi tập ở huyện. Đó cũng là điều kiện để tôi có thể theo đuổi bóng đá.
Ngày đó thủ môn có phải vị trí đầu tiên mà anh lựa chọn?
Ở huyện thì tôi vẫn vừa đá vừa bắt. Đến lúc thi đấu thì lại làm thủ môn. Khi xuống SLNA được vài tháng, tôi lại chuyển lên trên đá tiền đạo một thời gian.
Lúc đó thể hình mình cũng không được tốt. Mình vẫn suy nghĩ được lên đá thì sẽ tốt hơn, nhường vị trí thủ môn cho người khác. Nhưng sắp đi đá giải U15 thì các thầy muốn mình về bắt. Đội lúc đó hết thủ môn rồi. Từ đó nghiệp thủ môn gắn chặt với sự nghiệp của tôi.
Và đến khi anh được lên đội một SLNA, cảm giác chắc hẳn rất tuyệt?
Ở SLNA lên được đội một rất khó khăn. Tôi lên đội một từ cuối năm 2010 (chuẩn bị cho mùa giải 2011) và cũng đúng thời điểm SLNA vô địch V.League. Dù chỉ là thủ môn số 3, không được thi đấu, lại bị chấn thương sau khi mới lên được 3 tháng (vỡ mắt cá, nghỉ 1 năm), nhưng tôi cũng cảm thấy rất vui và vinh dự.
Đến mùa giải 2012, tôi có lần đầu tiên được ra sân khi SLNA gặp CLB Hà Nội. Lúc ấy anh Viết Nam bị chấn thương, tôi được thay vào sân và cũng góp phần giúp đội cũng giành được chiến thắng Từ đó tôi được sự tin tưởng của HLV Hữu Thắng, có cơ hội thể hiện hơn. Sau trận đầu tiên đó, bố mẹ cũng dặn dò tôi đường còn dài, phải không ngừng cố gắng.
Sự tiến bộ nhanh chóng giúp anh có lần đầu tiên được gọi lên U23 Việt Nam, chỉ sau hơn 1 năm bắt chính ở SLNA. Lần “ăn cơm tuyển” khi đó với anh là trải nghiệm như thế nào?
Năm 2013 tôi được HLV Hoàng Văn Phúc gọi lên U23 Việt Nam để chuẩn bị cho SEA Games 27. Lúc đó có tôi, Bửu Ngọc và Tuấn Linh. Ba anh em bằng tuổi nhau, cạnh tranh lành mạnh, ai được thi đấu cũng mừng cho người đó. Không ai suy nghĩ gì cả bởi quan trọng là đội giành được thành tích cao. Lúc đó Bửu Ngọc được lên tuyển nhiều rồi nên cũng rất xứng đáng đứng trong khung gỗ.
Khi vào SEA Games, nhìn chung cũng không có đội nào nổi bật hẳn. Lúc đầu nhìn các đồng đội thi đấu mình cũng nghĩ giải này đội mình có cơ hội tiến vào sâu. Nhưng đúng là không may ở trận gặp U23 Singapore, đội mình đá mình không ghi bàn được, còn đội bạn chỉ một quả phạt góc lại có bàn. Đó là trận thua khá đáng tiếc với U23 Việt Nam và sau đó đội bị loại sớm.
Quá trình chuẩn bị cho SEA Games năm đó còn có vụ việc ồn ào khi HLV Hoàng Văn Phúc bị VFF tạm đình chỉ công tác vì nghi ngờ đội thi đấu thiếu quyết tâm ở một giải giao hữu. Lúc đó U23 Việt Nam phải đối mặt với áp lực như thế nào?
Thầy Phúc là người khá gần gũi với cầu thủ. Lúc nghe tin thầy bị như vậy, anh em đều rất buồn. Văn Quyết và Mạnh Dũng lớn tuổi nhất có đại diện đứng ra đề xuất với VFF, cố gắng sắp xếp lại để thầy có thể tiếp tục dẫn đội. Bởi lúc ấy giải đấu cũng cận kề giải rồi.
Thực sự lúc đó tất cả đó bị chỉ trích, áp lực rất nhiều. Vì thế đến lúc giành được chiến thắng (đánh bại Sinh viên Hàn Quốc ở bán kết), tất cả mọi người cũng muốn dành tặng kết quả đó cho thấy. Anh em khi đó rất quyết tâm và đoàn kết, nhưng lại không may mắn một vài việc trên sân thôi.
Trở lại với câu chuyện hiện tại, cách đây ít ngày, thống kê từ trang ASEAN Football cho thấy anh chính là thủ có thành thích giữ sạch lưới xuất sắc nhất Đông Nam Á năm 2020 (10 trận). Thông tin này với anh có ý nghĩa ra sao?
Lúc đón nhận được thông tin đó mình cũng thấy rất bất ngờ. Năm vừa rồi tôi và CLB Viettel cũng đã cố gắng hết mình, làm việc chăm chỉ để có thể giành được chức vô địch V.League.
Thành tích này thực sự nằm ngoài mong đợi với mình vì đây mới chỉ là năm đầu tiên tôi khoác áo Viettel. Thực sự trước đó tôi chưa nghĩ đến việc mình có thể góp công giúp đội bóng vô địch. Đây là danh hiệu khá bất ngờ nhưng là nỗ lực của tất cả anh em cầu thủ. Bởi thế tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được chia sẻ với gia đình niềm vui này.
Đối với bản thân mình, tôi sẽ cố gắng tập luyện và thi đấu tốt để đóng góp cho CLB. Lãnh đạo đội bóng cũng luôn quan tâm đến anh em cầu thủ. Tôi cũng sự giúp đỡ rất nhiều của anh em và tôi xem đó là một điều rất may mắn.
Nhìn lại mùa giải 2020, với anh đâu là trận đấu khó khăn nhất?
Tôi nghĩ mỗi trận derby Thủ đô với Hà Nội FC luôn rất quan trọng. Hà Nội FC là một đối thủ rất khó chịu tại V.League. Chúng tôi luôn đánh giá họ rất cao. Đấy là đối thủ để chúng tôi cố gắng hơn khi thi đấu để giành lấy kết quả tốt.
Thực sự thì trước trận đấu đó, anh em trong đội cũng rất tự tin vì kết quả tốt ở các vòng trước. Đến khi vào sân, Viettel gặp một chút khó khăn vì chấn thương của Khắc Ngọc. Nhưng mình nghĩ tất cả đồng đội đã nỗ lực hết mình và làm đúng những gì mà ban huấn luyện đề ra.
CLB Viettel là một tập thể tốt và đồng đều. Khi đội bóng đứng trước cơ hội cạnh tranh danh hiệu, những thời khắc quan trọng các cầu thủ đều rất tập trung, xem làm thế nào để mình có thể đi đến cái đích cuối cùng.
Có thành tích xuất sắc và trở thành nhà vô địch V.League, tuy nhiên anh lại không được HLV Park Hang-seo gọi lên tuyển ở đợt tập trung vừa rồi. Điều đó có khiến anh cảm thấy tiếc nuối nhiều không?
Lúc có thông báo tập trung đội tuyển, bản thân mình có một chút hụt hẫng. Nhưng rồi lại nghĩ ai được lên tuyển cũng xứng đáng cả. Thôi thì mình chưa hợp với thầy, chưa đúng lúc này thì thôi cố gắng hơn, tập trung hơn.
Vậy với năm 2021 sắp tới, mục tiêu mà anh đặt ra với bản thân mình là gì?
2021 sẽ là một năm khó khăn với ban huấn luyện và các cầu thủ Viettel. Năm nay đội mình thi đấu 3 mặt trận, lực lượng phải trải đều. Nhưng nếu AFC Champions League đá tập trung thì cũng là một điều có lợi, CLB đỡ phải di chuyển nhiều.
Toàn đội sẽ cố gắng thi đấu tốt ở V.League và AFC Champions League, bởi đó là niềm vinh dự khi được đại diện cho Việt Nam thi đấu ở một giải đấu lớn. Đội sẽ nỗ lực thi đấu tốt để được ghi nhận, không để xảy ra những đánh giá không tốt.
Trước mắt mình cứ cố gắng cống hiến thi đấu tốt ở CLB. Nếu được ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam quan tâm thì mình sẽ có cơ hội. Khi cơ hội đến tôi sẽ cố gắng để thể hiện tốt. Mình cũng muốn làm cái gì đó tốt hơn.
Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!
Tags (Từ khóa): Trần Nguyên Mạnh CLB Viettel ĐTVN ĐT Việt Nam AFF Cup 2016 thủ môn Đặng Văn Lâm
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngày 24/11/2024
Ipswich Town1-1Manchester United
Manchester City0-4Tottenham Hotspur
Ngày 23/11/2024
AFC Bournemouth1-2Brighton Hove Albion
Ngày 10/11/2024
#CLBT+/-Đ
1Liverpool121631
2Manchester City12523
3Chelsea12922
4Arsenal12922
5Brighton Hove Albion12522
6Tottenham Hotspur121419
7Nottingham Forest12219
8Aston Villa12019
9Newcastle United11218
10Fulham12018
11Brentford12017
12Manchester United12016
13AFC Bournemouth12-115
14West Ham United11-612
15Everton12-711
16Leicester City12-810
17Wolves12-89
18Ipswich Town12-109
19Crystal Palace12-78
20Southampton12-154
XHTuyển QG+/-Điểm
1 USA (W)602076
2 England (W)02023
3 Spain (W)-782021
4 Germany (W)-42014
5 Sweden (W)-81986
6 Canada (W)301982
7 Japan (W)-11974
8 Brazil (W)211970
9 North Korea (W)01944
10 France (W)-911938