8 người 'không phổi' khoẻ nhất bóng đá Việt: Máy chạy 'Hoàng Bò'
05/09/2023 15:37Bóng đá là một cuộc chơi của thể lực và sức bền. ĐT Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công sau khi cải thiện được vấn đề thể lực nhức nhối trong nhiều thập niên.
1. Lê Huỳnh Đức (Tiền đạo – 1972)
Tiền đạo từng giành 3 Quả bóng vàng Việt Nam (1995, 1997 và 2002) là nỗi ám ảnh với các hậu vệ ở những năm 90 của thế kỷ trước. Với chiều cao gần 1m80, thân hình dày, Huỳnh Đức sở hữu sức mạnh giúp ông trở thành tiền đạo làm tường tốt bậc nhất mà bóng đá Việt Nam từng sở hữu. Hiện tại, bóng đá Việt Nam vẫn mỏi mắt đi tìm một mẫu tiền đạo như Huỳnh Đức. Ông đang làm HLV trưởng CLB Becamex Bình Dương.
2. Ngô Quang Trường (Tiền vệ - 1972)
Cùng thời với Huỳnh Đức, Ngô Quang Trường được đặt biệt danh là "trâu" vì lối chơi máu lửa và thể lực sung mãn. Câu chuyện huyền thoại về Quang Trường là việc ông từng bị bung khớp gối, đứt hết dây chằng gối phải vào thời điểm y học thể thao Việt Nam chưa phát triển. Dù không được phẫu thuật nhưng sau 3 năm, Quang Trường trở lại và thi đấu tới năm 2004.
3. Phùng Văn Nhiên (Hậu vệ - 1982)
Hiếm cầu thủ Việt Nam nào thi đấu tới năm 40 tuổi và khi nhắc tới một ví dụ vượt giới hạn thì Phùng Văn Nhiên là cái tên đầu tiên được điểm mặt. Anh thi đấu cho CLB quê hương Nam Định từ năm 2002 và tạm dừng thi đấu từ năm 2018 trong màu áo CLB Hải Phòng ở tuổi 36. 2 năm sau, ở tuổi 38 anh lại tái xuất sân cỏ trong màu áo Nam Định vì vẫn còn đam mê chơi bóng và góp sức cho đội bóng quê hương trong giai đoạn khó khăn.
4. Lê Tấn Tài (Tiền vệ - 1984)
Tấn Tài có lẽ là cầu thủ đầu tiên được đặt biệt danh "người không phổi" ở Việt Nam. Anh nổi lên từ AFF Cup 2008 khi cùng đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch. Tròn 20 năm theo nghiệp quần đùi áo số, anh nói lời giã từ sân cỏ ở tuổi 39 sau khi đưa đội bóng quê nhà Khánh Hòa trở lại V-League. Tấn Tài là cầu thủ hiếm hoi của bóng đá Việt vừa có thể lực sung mãn, lại giàu phẩm chất kỹ thuật.
5. Nguyễn Trọng Hoàng (Tiền vệ - 1989)
Biệt danh Hoàng "bò" có lẽ đã nói lên tất cả về sức khoẻ của tiền vệ sinh năm 1989. Anh còn được các đồng đội gọi là "ngoại binh", "mãi mãi tuổi 20" vì quá khoẻ dù năm nay đã 34 tuổi. Hiện tại, Trọng Hoàng vẫn là cầu thủ đặc biệt quan trọng với Sông Lam Nghệ An.
6. Đỗ Hùng Dũng (Tiền vệ - 1993)
Lối sống lành mạnh, chịu khó tìm tòi cách chăm sóc sức khoẻ giúp Đỗ Hùng Dũng có thể trạng tốt như hiện nay. Anh được xem là "lá phổi" của Hà Nội FC và đội tuyển Việt Nam nơi tuyến giữa, góp sức lớn vào 3 chức vô địch V.League, 1 AFF Cup. Dù từng dính chấn thương nghiêm trọng, nhưng cường độ vận động của Đỗ Hùng Dũng luôn thuộc top đầu trong mỗi trận đấu.
7. Vũ Văn Thanh (Hậu vệ - 1996)
Trung vệ Quế Ngọc Hải từng chia sẻ vui rằng anh chỉ mong mình "khoẻ bằng một nửa Văn Thanh". Hậu vệ thuộc biên chế CLB Công An Hà Nội luôn dẫn đầu trong các cuộc kiểm tra sức bền và thể lực. Thế nhưng, ít ai biết rằng trước đây Văn Thanh từng mắc bệnh tim và suýt phải từ giã sự nghiệp quần đùi áo số.
8. Đoàn Văn Hậu (Hậu vệ - 1999)
Văn Hậu chính xác là một chiến binh với thể lực, sức mạnh, vóc dáng đủ để đối chọi với bất cứ cầu thủ nào trên thế giới. Ở độ tuổi 24, Văn Hậu đã đạt được những thành tích mà nhiều thế hệ trước mơ ước. Anh đã giành rất nhiều danh hiệu cùng CLB cũng như ĐT Việt Nam. Văn Hậu cũng là cái tên hiếm hoi của bóng đá Việt được thử sức tại châu Âu trong màu áo Heerenveen (Hà Lan).